(TN&MT) - Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tập trung tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm góp phần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và sát với thực tiễn khi triển khai thi hành các quy định của Nghị định.
Đề xuất bổ sung nhiều quy định
Qua nghiên cứu Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, các địa phương như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang đều thống nhất đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung thêm nội dung: “Giao UBND tỉnh căn cứ tập quán sinh sống, điều kiện thực tế tại địa phương xem xét quy định thêm đối tượng đặc biệt được tái định cư cho phù hợp” vào Mục 6 Chương II; bổ sung vào khoản 1 Điều 35 nội dung về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 6 Điều 3 Luật Đất đai 2024.
Căn cứ vào tình hình thực tế, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất, kiến nghị xem xét bổ sung một số Điều trong Dự thảo Nghị định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành các quy định của Nghị định trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thử - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Trên thực tế, có nhiều trường hợp chủ sử dụng đất có nguyện vọng hiến đất thực hiện các công trình công cộng theo quy hoạch được duyệt, chấp nhận giá trị bồi thường thấp hoặc bằng giá UBND cấp tỉnh quy định. Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị bổ sung quy định trường hợp địa phương tự thỏa thuận được giá trị bồi thường với người có đất bị thu hồi, giá trị bồi thường không vượt quá bảng giá đất do Nhà nước quy định thì không phải lập và phê duyệt phương án theo quy định tại Điều 3 của Dự thảo Nghị định này mà chỉ cần báo cáo UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo ông Thử, xuất phát từ việc hiện nay chưa có quy định về quản lý các loại tài sản sau khi thu hồi như: cây trồng, nhà ở, công trình khác trên đất…, tỉnh Sóc Trăng đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung thêm quy định về quản lý và sử dụng tài sản sau khi thu hồi để có phương án thanh lý bổ sung vào nguồn ngân sách hoặc phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến việc xác nhận phần diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để tính mức hỗ trợ ổn định đời sống, ông Nguyễn Thanh Tao - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Cần Thơ cho biết: "Trong quá trình triển khai một số dự án trên địa bàn thành phố, do chưa có quy định cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc xác nhận phần diện tích đất nông nghiệp này đã dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa UBND cấp xã - nơi có đất thu hồi và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Do đó, Trung tâm kiến nghị bổ sung quy định cụ thể cơ quan, đơn vị thực hiện việc xác nhận diện tích đất nông nghiệp thu hồi để tính hỗ trợ ổn định đời sống người dân".
Cần quy định cụ thể thẩm quyền
Theo ông Nguyễn Thanh Tao, tại Điểm a Khoản 4 Điều 33 Dự thảo Nghị định có quy định: "Diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống là diện tích đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi đất". Song, trong quá trình triển khai một số dự án, việc hỗ trợ diện tích đất nông nghiệp thu hồi để tính hỗ trợ ổn định đời sống còn chưa thống nhất. Do đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Cần Thơ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống là diện tích đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong phạm vi xã, phường, thị trấn - nơi có đất thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi đất của từng dự án thu hồi đất.
Còn ông Nguyễn Huy Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết: Sau khi nghiên cứu nội dung Dự thảo Nghị định, Sở TN&MT đề nghị bổ sung một Điều thuộc mục 5 Chương II quy định về hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39 và 40 của Nghị định này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 95 của Luật Đất đai 2024 thì UBND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Qua đó, giúp ổn định đời sống, sản xuất, đảm bảo quyền lợi của người dân, hạn chế được khiếu nại.
"Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung thêm một khoản vào Điều 24 của Dự thảo Nghị định theo hướng: “Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới hoặc công trình mới có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành", ông Nguyễn Huy Cường cho hay.