Ý kiến đại biểu Quốc hội về cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn dự kiến
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành văn bản số 202 về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024. Theo đó, để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về lấn biển; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Thông tư quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ: Nghị định quy định về quỹ phát triển đất; Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Cùng với đó chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ: Quyết định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai 2024.
Sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh
Theo Quochoi.vn, chia sẻ quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, hiện nay một trong những điểm nghẽn lớn nhất có liên quan đến Luật Đất đai.
Do đó, với những sửa đổi luật rất tích cực vừa qua, nếu sớm được nửa năm đưa vào thi hành sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ổn định về xã hội, lợi ích cho người dân.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ, nửa năm là thời gian rất quý giá và sẽ tạo ra động lực để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Việc chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, đất nước. Qua đó thấy rõ tinh thần kiến tạo, phát triển của Chính phủ, chắc chắn Quốc hội sẽ hoan nghênh điều này.
Rút ngắn thời gian rất đáng hoan nghênh nhưng chất lượng không thể nhân nhượng
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, với các luật sau khi được thông qua thường có thêm sáu tháng mới có hiệu lực thi hành. Nhưng với Luật Đất đai là một năm. Việc này để có khoảng thời gian đủ dài giúp Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết.
Đồng thời, nhằm đồng bộ với các luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Với bối cảnh hiện nay rõ ràng cần có sự đột phá, khẩn trương của những người làm công tác xây dựng thể chế thay cho sự quá cẩn trọng, sợ sai, không dám làm... Việc quyết liệt của Chính phủ sẽ tạo đà rất tốt cho phát triển...
Tuy nhiên, để có thể trình Quốc hội xem xét thay đổi hiệu lực thi hành sớm hơn với luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng bên cạnh tinh thần, trách nhiệm thì điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết đảm bảo chất lượng.
Trong đó, các nghị định, thông tư, văn bản phải đảm bảo phản ánh trung thành được tinh thần của Luật Đất đai, giúp triển khai một cách đồng bộ, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa chỗ này, chỗ kia.
Đồng thời, qua đó phải tháo gỡ được những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong tiếp cận đất đai, vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai cũng như liên quan đời sống người dân.
Rõ ràng việc rút ngắn thời gian rất đáng hoan nghênh nhưng chất lượng không thể nhân nhượng và đây sẽ là điều để Quốc hội đưa ra quyết định.
Ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, bày tỏ ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng về đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo đại biểu, Luật đất đai là bộ luật rất khó. Trong Luật Đất đai trước đây, một số phương pháp xác định giá đất để đền bù, kể cả các vấn đề đấu thầu có những vấn đề tồn tại, dẫn đến những sai phạm, bất cập.
Đại biểu Trương Xuân Cừ nêu rõ, Luật Đất đai có hiệu lực sớm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, thông lệ trước giờ luật ban hành cả năm rồi nhưng thông tư, nghị định còn chưa kịp ra. Cho nên để đúng ngày, đúng giờ luật đi vào cuộc sống thì ban hành thông tư, hướng dẫn càng sớm càng tốt.
Phải có sự chuẩn bị rất đồng bộ từ các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật Đất đai
Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có đánh giá cặn kẽ từ Chính phủ, có sự đánh giá tác động các mặt lợi ích hoặc bất cập nếu có, đặc biệt đối với người dân, các đối tượng yếu thế về đất đai, về bất động sản và những vấn đề liên quan trong Luật đất đai.
Lo ngại tính khả thi khi thời gian 1/7 đã đến rất gần, đại biểu cho biết, nếu đẩy nhanh thời đ
iểm luật có hiệu lực thì công tác cụ thể hóa Luật này từ các bộ ngành của Chính phủ phải gấp rút thực hiện.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn chứng một số Luật đã ban hành, có hiệu lực rồi nhưng có thông tư rất chậm. Thậm chí, một số luật mà độ trễ của thông tư, nghị định và các văn bản dưới luật cả 5 năm. Theo đại biểu, như vậy là quá chậm, quá muộn, gây thiệt thòi rất nhiều cho đối tượng thực hiện và các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện những Luật đó.
Đại biểu mong đợi nếu Chính phủ có sự đề xuất như vậy thì phải có sự chuẩn bị rất đồng bộ từ các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật Đất đai này để cùng nhau triển khai, thực hiện.
Khi đẩy tiến độ cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thì tất cả những văn bản dưới luật đó phải có ngay lúc đấy. Đại biểu cho rằng, những văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật Đất đai như nghị định, thông tư có tầm ảnh hưởng lớn đến quốc gia thì cũng phải thông qua để lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội.